Tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử

Thứ bảy - 19/05/2018 15:19
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia giáo dục, cần có giải pháp tháo gỡ để việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường thực sự mang lại hiệu quả. Để làm được điều này, trước mắt phải bắt đầu từ sự hứng thú với môn học của người học cũng như sự tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp truyền đạt của người dạy.
LOGO KHOA
LOGO KHOA

Hội thảo khoa học “Giảng dạy Lịch sử, Văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, do Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 17/5. Hội thảo nhằm rà soát, đánh giá, tổng kết lại quá trình dạy học, những kết quả đạt được và chưa đạt được, trên cơ sở đó tìm ra những giải pháp hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy Lịch sử, Văn hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. 

Chất lượng dạy và học Lịch sử thấp

Đây là vấn đề được các nhà giáo, giảng viên các trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Khoa học Huế và nhiều giáo viên tại các trường THPT tại Đà Nẵng quan tâm, chia sẻ tại Hội thảo.

Đặc biệt, với tham luận “Nâng cao chất lượng dạy học Lịch sử ở trường THPT”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Đoàn, giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng) đã khẳng định: Chất lượng dạy và học Lịch sử hiện nay khá thấp, cần có giải pháp căn cơ để tháo gỡ. Theo thầy Đoàn, kết quả điểm thi môn Lịch sử tại các Kỳ thi THPT quốc gia 3 năm liên tiếp, từ 2015- 2017 cho thấy việc dạy và học Lịch sử ở các trường THPT "đang có vấn đề”. Trong đó, số lượng học sinh bị điểm liệt (dưới 1.0 điểm) hoặc đạt từ 1.0 điểm trở xuống của môn Lịch sử thuộc top đầu trong các môn thi.

Quang cảnh Hội thảo 

Cụ thể, năm 2015 có 1.083 học sinh bị điểm liệt (dưới 1.0 điểm) chỉ đứng sau môn Toán với 12.000 học sinh. Con số tương ứng các môn là Vật lý 260, Hóa học 300, Sinh học 300, Địa lý 550, Ngoại ngữ 175.

Năm 2016, số học sinh môn Lịch sử bị điểm liệt vẫn đứng thứ 2 với 1.439 học sinh chỉ sau môn Toán (11.159 học sinh); các môn Ngoại ngữ 933, Vật lý 67, Hóa học 91, Địa lý 511, Ngoại ngữ 144.

Năm 2017, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Kỳ thi THPT bằng hình thức trắc nghiệm đối với môn Lịch sử. Số học sinh có điểm từ 1.0 trở xuống của Bộ môn này là 869, xếp sau môn Toán: 1.584, Ngoại ngữ 1.061, Hóa học 886. Cũng trong năm này, tỷ lệ học sinh dưới 5.0 điểm của môn Lịch sử cao thứ 2 với 61,9%, sau môn Tiếng Anh với 68,38%.

Ở nhóm trên, điểm môn Lịch sử cũng không khá hơn. Ở phổ điểm 9-10, môn Lịch sử tỷ lệ cũng thấp: Năm 2015 là 1.450 (chiếm 1,74%), năm 2017 là 4.326 (chiếm 8,47%).

Đối với học sinh tại Đà Nẵng, theo thầy Nguyễn Ngọc Đoàn, trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tổng số học sinh dự thi môn Lịch sử là 5.341 học sinh. Trong đó, số học sinh có điểm từ 1.0 trở xuống là 10 học sinh; số học sinh đạt trên 5.0 điểm là 1234 em (chiếm 23,48%), thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước là 38,1%; số học sinh đạt điểm từ 7.0 đến dưới 10 điểm chỉ có 158 em; không có học sinh đạt điểm 10.

Với những số liệu dẫn ra từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 3 năm liên tiếp (từ 2015-2017) mà thầy Đoàn nêu ra ở trên, nhiều ý kiến tại Hội thảo đã đồng tình với nhận định của thầy giáo này. Trong đó, TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, đây là thông tin phản ánh chân thực thực trạng dạy và học môn Lịch sử tại các trường THPT hiện nay và cần có những giải pháp tháo gỡ để việc dạy và học môn Lịch sử trong các trường THPT hiện nay thực sự mang lại hiệu quả, trước mắt phải bắt đầu từ sự hứng thú với môn học của người học cũng như sự tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp truyền đạt của người dạy.

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên

Cùng với những trao đổi nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử tại các trường THPT hiện nay, tại Hội thảo, các ý kiến cũng dành nhiều quan tâm đến việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sư phạm cho sinh viên (SV) học Lịch sử.

Theo TS.Trương Anh Thuận (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Đà Nẵng là đơn vị có bề dày đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử với hơn 40 năm. Tuy nhiên, không phải vậy mà vấn đề rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV ngành sư phạm Lịch sử được đơn vị chủ quan, sao nhãng; trái lại lãnh đạo Khoa và nhà trường luôn đặt ra yêu cầu phải không ngừng nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên các ngành sư phạm, trong đó có Sư phạm Lịch sử.

TS.Trương Anh Thuận cho biết thêm: Trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử hiện nay, ngoài các học phần kiến thức chuyên ngành, SV còn được trang bị một hệ thống các học phần về khoa học giáo dục, đặc biệt là phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử. Tuy nhiên nếu như việc truyền thụ các kỹ năng sư phạm cho SV chỉ dừng lại ở đây thì tính thực tiễn và ứng dụng của nó sẽ thực sự chưa cao. “Tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, với phương châm đào tạo lý thuyết đi đôi với thực hành, cán bộ giảng dạy tập trung giúp SV biến những kiến thức lý luận phương pháp giảng dạy được trang bị qua các học phần đó thành kỹ năng nghề nghiệp, thậm chí “cầm tay chỉ việc” cho SV từ những kỹ năng thực hành trên lớp như cách trình bày vấn đề, viết, vẽ bảng, diễn giải, gợi mở vấn đề bằng hệ thống câu hỏi, xử lý tình huống sư phạm đến một số kỹ năng nâng cao như: Làm việc với sách giáo khoa, kỹ năng sử dụng thiết bị dạy học, kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng gắn nghiên cứu khóa học với đào tạo…. Đây là các khâu quan trọng nhất để hiện thực hóa nhằm tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho SV sư phạm tại đơn vị.

Đồng tình và chia sẻ với các vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Huế cho biết, tại Đại học Khoa học Huế, SV trong quá trình thực tập được các giảng viên hỗ trợ, giúp đỡ sát sao. Thông qua đó sẽ giúp SV kịp thời cập nhật, bổ sung các kiến thức thực hành gắn với yêu cầu thực tiễn và lý luận chung về phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân cũng chia sẻ thêm, không chỉ là lúc SV đang theo học mà ngay cả trong giai đoạn này đến khi ra trường, tại Đại học Khoa học Huế, nhà trường vẫn giữ mối liên hệ, cử giảng viên thường xuyên về cơ sở dự giờ, bổ sung thêm những vấn đề mới về phương pháp để giáo viên dạy Lịch sử khi ra trường về giảng dạy ở các trường phổ thông vẫn có thể cập nhật thêm kiến thức mới.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Cũng chia sẻ về những vấn đề này, lấy thực tiễn kinh nghiệm và tổng kết sau nhiều năm giảng dạy môn Lịch sử của mình tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng, PGS.TS Ngô Văn Hà cho rằng, năng lực sư phạm và phương pháp giảng dạy nói chung của một giáo viên dạy Lịch sử luôn là vấn đề rất quan trọng. Tuy nhiên trên thực tế, không ít giáo viên dạy Lịch sử chưa biết làm “mới vấn đề”, thậm chí cứ lặp đi lặp lại bài giảng theo kiểu khô cứng với các sự kiện lần lượt theo tiến trình thời gian. Đây chính là lý do khiến người học than vãn “Khổ quá, biết rồi, nói mãi”… từ đó dẫn đến sự nhàm chán cho người học.

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã thẳng thắn nêu ra những kinh nghiệm và các đề xuất, kiến nghị để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho SV. TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), nhận định: Giáo viên phải là lực lượng xung kích trên mặt trận đổi mới, là người đi đầu, quyết định tới chất lượng giáo dục. Trong khi đó, với dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào cuối năm 2017, môn Lịch sử là một trong số những môn có sự thay đổi toàn diện cả về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy. Do đó vấn đề đổi mới giáo dục được đặt lên hàng đầu đối với người giáo viên. Trong đó, bên cạnh đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo ngành sư phạm theo mục tiêu phát triển năng lực nghề, hiện Khoa Lịch sử (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đang tập trung đổi mới thực tập sư phạm, đồng thời chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp SV ngành sư phạm có phương pháp dạy theo hướng tiếp cận năng lực, qua đó để SV sau khi ra trường có thể giảng dạy thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài những vấn đề trên, tại Hội thảo nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề phát triển năng lực cho SV sư phạm nói chung và sư phạm Lịch sử nói riêng thông qua phương pháp giảng dạy tích cực phải được các trường đại học quan tâm gắn với đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay mà Bộ yêu cầu.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng trao đổi, chia sẻ nhiều nội dung có liên quan đến chủ đề của Hội thảo như: Đổi mới giáo trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo ngành sư phạm liên quan đến bộ môn Văn hóa và Lịch sử; thực trạng dạy và học Văn hóa, Lịch sử ở các trường THPT và Đại học trước yêu cầu đổi mới giáo dục; giải pháp nâng cao chất lượng dạy Văn hóa, Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay…Những vấn đề này theo nhiều đại biểu là rất thực tế, qua đó giúp các trường Đại học nói chung và mỗi giáo viên dạy Lịch sử, Văn hóa tìm ra phương hướng mới để cập nhật, bổ sung những vấn đề mới nhằm thực hiện công tác đổi mới giáo dục hiện nay./.

Bài, ảnh: Đình Tăng
http://dangcongsan.vn/khoa-giao/tim-giai-phap-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-mon-lich-su-484279.html

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Cuộc thi "Tài năng sinh viên Khoa Lịch sử - năm 2022"

Cuộc thi năm nay diễn ra với tiêu chí khách quan và công bằng nhất vì vậy BTC đã mời Ban Giám Khảo là những thầy cô có kinh nghiệm về các lĩnh vực nghệ thuật đến từ Khoa Giáo Dục Nghệ Thuật, Khoa Giáo Dục Mầm Non Và Đại Diện đến Từ Hội Sinh Viên Trường về chấm điểm. Ngoài ra đêm diễn rất vinh dự...

Truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay6,057
  • Tháng hiện tại179,979
  • Tổng lượt truy cập2,422,392
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây