Nghề thủ công Việt Nam qua nhãn quan của toàn quyền Pháp
Thứ ba - 08/05/2018 22:17
Nghề thủ công Việt Nam qua nhãn quan của toàn quyền Pháp De LanessanJean-Louis de Lanessan (1843-1919) trở thành toàn quyền Đông Dương từ năm 1891 đến 1894. Trở về Pháp sau nhiệm kỳ, vị bộ trưởng Hải Quân tương lai xuất bản cuốn Công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp tại Đông Dương vào năm 1895.
Cuốn sách nêu những số liệu cụ thể, những quan sát và đánh giá tỉ mỉ về tình hình chính trị tại ĐôngDương cũng như những chính sách của Pháp ảnh hưởng tới công cuộc khai thác thuộc địa. Ngoài ra, cuốn sách còn là nguồn cung cấp thông tin chính xác và lý thú về những ngành nghề truyền thống tại Việt Nam lúc bấy giờ, cũng như những ngành công nghiệp mới được chính quyền Pháp đưa vào khai thác, như ngành in, sản xuất giấy, khai thác mỏ…
Cuốn sách đã được Thư viện Quốc gia Pháp (BNF) số hóa và có thể truy cập trên thư viện trực tuyến Gallica. Với mục đích hồi sinh cuốn sách cũng như để độc giả có thể tiếp cận được những thông tin quý báu này, Thư viện Quốc gia Pháp đã kết hợp với nhà xuất bản nổi tiếng Hachette tái bản cuốn sách 369 trang vào năm 2012.
Trong tạp chí Văn Hoá tuần này, ban Việt Ngữ đài RFI xin giới thiệu phần nói về nghề thủ công của người Việt trong chương VII của cuốn sách : « Tình hình công nghiệp của người dân địa phương, của người phương Tây tại Đông Dương từ đầu năm 1895 và những phương tiện để phát triển ngành công nghiệp ».
***
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, người phương Tây thường có xu hướng coi người Hoa và người Việt là những dân tộc chậm phát triển về mặt công nghiệp. Thế nhưng, sau nhiệm kỳ toàn quyền Pháp tại Đông Dương, ông de Lanessan nhận định thật sai lầm khi đánh giá như vậy. Ngược lại, họ rất cởi mở với mọi tư tưởng tân tiến hay thành tựu của các nền văn minh và công nghiệp phát triển nhất.
Người Việt rất tò mò và chú ý tới những tinh hoa và việc làm của phương Tây. Không chỉ quan sát và nghiên cứu, họ còn muốn bắt chước, thử sức trong hầu hết mọi lĩnh vực nghệ thuật-công nghiệp và áp dụng vào đời sống hàng ngày. Thêm vào đó là sự khéo léo bẩm sinh, trí thông minh, tính nhẫn nại và dẻo dai, nên họ dễ vượt qua mọi trở ngại.
Trong số họ, có rất nhiều họa sĩ, nghệ sĩ tô mầu hay những nhà điêu khắc, tạc tượng, thợ cưa xẻ, thợ khảm, thợ thêu, kiến trúc sư, thợ đúc, thợ nguội, thợ kim hoàn, thợ dệt, thợ sơn, thợ xây, thợ mộc, thợ lợp mái nhà, thợ làm đồ sứ, thợ làm đồ gốm, thợ gạch… Đáng tiếc là nghệ thuật và các ngành công nghiệp này rất ít được phát triển, dù người thợ rất khéo tay và gu thẩm mỹ của người dân cao. Nguyên nhân chính là do người dân không giầu, số lượng người tiêu dùng không đủ để kích thích sản xuất. Thế nhưng, bất kỳ người phương Tây nào muốn phát triển một nghề thủ công địa phương hay một ngành nghề mới, đều có thể tìm thấy nguồn lao động cần thiết và không phải lo lắng về khả năng tiếp thu của họ.
Ngành nghề thủ công Việt Nam
Nguồn lao động địa phương tại Trung Kỳ và Bắc Kỳ có thể tự sản xuất đồ dùng trong nhà, từ đồ gỗ, quần áo tới thực phẩm… Nhà ở của các gia đình khá giả đều được xây bằng gạch và lợp ngói sản xuất trong nước có chất lượng khá tốt, thường được tráng men với họa tiết trang trí nổi hoặc chìm. Khung cửa, các trụ cột của ngôi nhà hay dầm mái thường được kẻ chỉ và trang trí tinh vi mà không hề có một lỗi nhỏ nào. Những phần xà nhô ra ngoài, thậm chí là toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà được khéo léo chạm trổ không chê vào đâu được.
Đồ gỗ trong các gia đình khá giả người Việt thường là sản phẩm địa phương, được chạm khảm rất tinh vi, phản ánh rõ nguồn gốc thông qua hình dạng và cách lắp ráp vô cùng đặc biệt: không hề có bất kỳ một con ốc vít nào. Những chiếc chiếu, mành rèm làm từ cây bấc hay cây tre để trang trí những ngôi nhà đều là sản phẩm trong nước và có thể cạnh tranh được với đồ sản xuất tại Trung Quốc.
Ngoài ra, các gia đình giàu có cũng rất thích trang trí nhà bằng những bức tranh sặc sỡ, đồ mỹ nghệ hay đồ thêu trên len hoặc lụa, được làm tại chỗ, trong đó có rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao trên thế giới. Người Việt cũng rất khéo léo trong việc khắc đá và cẩm thạch. Họ có thể chạm trổ các tác phẩm từ những vỏ sò, vỏ ốc hoặc với san hô tảng hoặc với đá vôi.
Tại các buổi lễ, các quan đều dùng sản phẩm do người Việt làm ra, như những chiếc lọng bằng giấy tẩm dầu được vẽ họa tiết và được quang dầu hay những chiếc quạt bằng lông vũ, hay những chiếc giáo có hình thù kì lạ và những chiếc bao đựng gươm được khâu vô cùng khéo léo. Ngoài ra, còn phải kể tới những chiếc cáng, biển hiệu được làm bằng gỗ sơn và dát vàng hay tay nắm cửa được đúc thành nhiều hình thù trang trí đẹp mắt.
Trong các gia đình Việt Nam còn có những chiếc tách chén, chậu cây cảnh, bình lọ thường gắn trên đế đồng vô cùng đẹp. Đáng tiếc là nghệ thuật này đang bị phai một tại Việt Nam. Hiện người Việt chỉ còn làm lư hương, chân đèn hay các bình cắm hoa bằng đồng để trang trí bàn thờ tổ tiên. Các nghệ nhân đúc đồng Việt Nam cũng làm ra những quả chuông hay chuông nhỏ, những chiếc cồng và trống cho nhà chùa. Tại một vài tỉnh Trung Kỳ, người dân miền núi có thể sản xuất dụng cụ sinh hoạt bằng sắt hay đồng, nhờ khai thác được những mỏ quặng tại địa phương.
Người dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ dùng đất đỏ hoặc cao lanh để sản xuất đồ gốm dành cho những hoạt động đời thường nhất. Còn tại Nam Kỳ, rất nhiều nơi sản xuất các loại chum vại lớn bé có nắp đậy để chứa nước, đựng dầu hay nước mắm… Đồ trang sức, như vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai bằng bạc hay bằng vàng, mà phụ nữ Việt Nam đeo đều do thợ thủ công địa phương làm ra ; tuy mẫu mã không đa dạng, nhưng tay nghề của họ khá tốt.
Phần lớn lương thực-thực phẩm đều là sản phẩm địa phương. Tại các vùng biển duyên hải, người Việt làm ra được muối với sản lượng khá lớn nên xuất sang cả Trung Quốc. Họ tự sấy khô cá và làm nước mắm. Ngoài ra, từ các loại rau củ quả, họ cũng từ làm các loại dưa muối. Họ còn chế biến thực phẩm khô từ thịt lợn và gia cầm.
Rượu gạo được tiêu thụ nhiều và được nấu từ những công cụ rất thô sơ. Có thể nói rằng mỗi người Việt là một người thợ nấu rượu. Họ cũng chế biến được đường mía và đường mật và sử dụng với lượng khá lớn. Họ cũng biết chiết xuất dầu ăn từ lạc, vừng hay dùng để thắp sáng. Các loại dầu thắp sáng (dầu dừa, thầu dầu hay mù u) ngày càng bị dầu hỏa thay thế với số lượng nhập khẩu tăng rất nhanh. Trong khi đó, phần lớn đèn dầu có nguồn gốc châu Âu hoặc Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ được sản xuất trong nước nhờ tái chế từ vỏ đồ hộp cũ. Sản xuất giấy, pháo và pháo hoa cũng không còn gì là bí mật đối với người Việt Nam.
Sản phẩm nhập ngoại
Ngoài một số sản phẩm gốm, men và sành sứ phục vụ cuộc sống hàng ngày có nguồn gốc Quảng Châu (Trung Quốc), Việt Nam phải nhập những con rồng bằng sứ bóng được gắn trên mái đền chùa hay tại một số gia đình khá giả. Trước đó, người Việt đã làm ra được những đồ trang trí trên tại một vài ngôi làng ở Nam Kỳ, nhưng hầu hết thợ thủ công đều là người Trung Quốc.
Vật dụng thủy tinh được nhập từ Trung Quốc hoặc từ châu Âu. Người Việt Nam hình như chưa bao giờ sản xuất đồ thủy tinh, còn người Trung Quốc cũng mới chỉ biết ngành công nghiệp này cách đây chưa lâu.
Quần áo bằng vải bông mà người Việt thích mặc phần lớn được dệt tại châu Âu, Bombay (Ấn Độ) hay Trung Quốc. Một lượng lớn sợi bông dệt thủ công được nhập vào Việt Nam, sau đó người ta nhuộm vải bằng củ nâu, hay cây chàm… Người Việt cũng biết se và dệt lụa. Cách làm của họ rất thủ công nhưng tạo ra được vải có chất lượng tương đương với lụa châu Âu. Người Việt cũng đã biết sản xuất được dép quai hậu và giầy dành cho người giầu ; phần lớn sản phẩm này được sản xuất trong nước, phần còn lại được nhập từ Trung Quốc.
Nói tóm lại, người Việt không hề lạ lẫm với bất kì ngành nghề công nghiệp nào của châu Âu, nhưng họ chỉ làm những đồ dùng rất thô sơ và với số lượng có hạn vì người dân vẫn còn nghèo.
Cuộc thi năm nay diễn ra với tiêu chí khách quan và công bằng nhất vì vậy BTC đã mời Ban Giám Khảo là những thầy cô có kinh nghiệm về các lĩnh vực nghệ thuật đến từ Khoa Giáo Dục Nghệ Thuật, Khoa Giáo Dục Mầm Non Và Đại Diện đến Từ Hội Sinh Viên Trường về chấm điểm.
Ngoài ra đêm diễn rất vinh dự...